Khám Tim, Mạch Máu

Việc thăm khám đầy đủ các cơ quan rất quan trọng để phát hiện các ảnh hưởng lên ngoại vi và toàn thân của bệnh lý tim mạch cũng như phát hiện các triệu chứng tim mạch do ảnh hưởng của các bệnh lý ngoài tim. Khám tim mạch bao gồm:

  • Khám dấu hiệu sinh tồn.
  • Sờ mạch và nghe tim
  • Quan sát tĩnh mạch
  • Thăm khám lồng ngực và sờ vùng ngực
  • Sờ vùng tim, gõ vùng tim và nghe tim
  • Khám phổi, bao gồm sờ vùng phổi, gõ vùng phổi và nghe phổi
  • Khám bụng và khám tứ chi

Nghe tim được trình bày trong một chương riêng. Mặc dù việc sử dụng chẩn đoán hình ảnh tim mạch ngày càng tăng, nhưng việc nghe tim vẫn rất hữu ích vì có thể thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần mà không tốn chi phí.

Dấu hiệu sinh tồn

Các dấu hiệu sinh tồn bao gồm:

  • Huyết áp
  • Tần số tim và nhịp tim
  • Tần số thở
  • Nhiệt độ cơ thể

Huyết áp cần được đo ở cả hai cánh tay. Huyết áp cũng cần được đo ở cả hai chân nếu nghi ngờ các bệnh tim bẩm sinh và bệnh mạch máu ngoại biên. Kích thước của bao hơi của băng cuốn huyết áp cần có chiều dài ôm được 80% chu vi cánh tay và chiều rộng bằng 40% chu vi cánh tay. Tiếng đập đầu tiên nghe được trong khi cột thủy ngân đang hạ xuống ứng với huyết áp tâm thu. Thời điểm không nghe được tiếng đập nữa ứng với huyết áp tâm trương (pha 5 của Korotkoff). Bình thường, độ chênh lệch huyết áp hai tay nhỏ hơn hoặc bằng 15 mmHg. Nếu độ chênh lệch này lớn hơn 15 mmHg, nó có thể gợi ý bệnh mạch máu (ví dụ tách thành động mạch chủ) hoặc bệnh mạch máu ngoại biên. Huyết áp ở chân (đo ở động mạch khoeo) thường cao hơn huyết áp đo ở cánh tay 20 mmHg.

Tần số tim và dạng nhịp tim được xác định bằng cách sờ mạch cảnh hoặc bắt mạch quay, hoặc bằng cách nghe tim nếu nghi ngờ có rối loạn nhịp. Khi có loạn nhịp tim, một số nhát bóp của tim có thể không đủ sức tạo ra được xung động mạch để thấy được khi bắt mạch nhưng có thể biết được nếu nghe tim.

Tần số thở bất thường có thể giúp gợi ý tình trạng suy tim mất bù hoặc bệnh lý đường hô hấp. Tần số thở tăng lên ở những bệnh nhân suy tim hoặc đang lo âu. Tần số thở giảm hoặc thở ngắt quãng gặp ở những bệnh nhân sắp tử vong. Thở nhanh, nông có thể gợi ý đau kiểu màng phổi.

Nhiệt độ cơ thể có thể tăng trong bệnh cảnh thấp tim hoặc nhiễm trùng tim mạch (ví dụ viêm nội tâm mạc). Sau nhồi máu cơ tim, sốt nhẹ là rất phổ biến. Chỉ nên tìm các nguyên nhân khác nếu sốt vẫn tồn tại > 72 giờ.

Chỉ số huyết áp mắt cá chân - cánh tay

Chỉ số huyết áp mắt cá chân - cánh tay (viết tắt là ABI) là tỉ số giữa huyết áp tâm thu khi đo ở mắt cá chân so với huyết áp tâm thu đo ở cánh tay. Chỉ số này là bình thường > 1. Có thể sử dụng một đầu dò Doppler để đo huyết áp ở mắt cá chân nếu khó bắt mạch ở vị trí này.

Chỉ số ABI thấp (≤ 0,90) gợi ý bệnh động mạch ngoại biên. Bệnh động mạch ngoại biên có thể được phân loại là nhẹ (chỉ số ABI 0.71 đến 0.90), trung bình (0.41 đến 0.70), hoặc nặng (≤ 0.40). Chỉ số ABI cao (> 1,30) có thể gợi ý các động mạch ở chân không có khả năng đàn hồi (như xảy ra trong bệnh xơ vữa động mạch Mönckeberg khi thành động mạch bị vôi hóa nhiều).

Thay đổi huyết áp tư thế

Huyết áp và tần số tim được đo ở tư thế nằm ngửa, tư thế ngồi và tư thế đứng. Mỗi khi thay đổi tư thế, nên chờ 1 phút trước khi đo huyết áp. Bình thường, huyết áp thay đổi  10 mmHg giữa mỗi lần thay đổi tư thế. Sự thay đổi này có thể lớn hơn một chút ở người già do giảm tính đàn hồi thành mạch.

Mạch đảo

Thông thường, trong khi hít vào, huyết áp tâm thu có thể giảm không quá 10 mmHg và tần số tim sẽ nhanh lên để bù trừ. Sự giảm huyết áp tâm thu nhiều hơn 10 mmHg hoặc mạch nẩy yếu hơn trong khi hít vào được gọi là mạch đảo. Mạch đảo gặp trong:

  • Ép tim (thường gặp)

  • Viêm màng ngoài tim co thắt, Hen phế quản nặng, và đôi khi gặp trong COPD.

  • Bệnh cơ tim hạn chế, Tắc động mạch phổi nặng, và hiếm gặp trong Sốc giảm thế tích.

Trong thì hít vào, áp suất âm trong khoang lồng ngực làm tăng máu tĩnh mạch trở về và làm tăng đổ đầy thất phải. Do đó, vách liên thất bị đẩy nhiều hơn về phía đường ra thất trái, gây ra giảm cung lượng tim và hậu quả là huyết áp giảm. Hiện tượng này xảy ra rõ rệt hơn trong các bệnh lý làm tăng cao áp suất âm trong khoang lồng ngực (ví dụ hen phế quản) hoặc các bệnh lý làm giảm đổ đầy thất phải (ví dụ tình trạng ép tim, bệnh cơ tim), hoặc các bệnh lý cản trở đường ra thất phải (ví dụ tắc động mạch phổi).

Xác định mạch đảo bằng cách: bóp hơi vào băng cuốn huyết áp cho đến khi cao hơn mức huyết áp tâm thu, sau đó xả hơi rất chậm (ví dụ xả  2 mm Hg cho mỗi nhịp tim). Vừa xả băng cuốn, vừa quan sát bệnh nhân thở, đồng thời chú ý nghe tiếng đập Korotkoff. Ghi nhớ mức áp lực khi nghe thấy tiếng đập Korotkoff đầu tiên lúc bệnh nhân ở thì thở ra (lưu ý là chỉ ở thì thở ra). Tiếp tục xả hơi băng cuốn cho đến khi nghe được tiếng đập Korotkoff đều đặn ở cả thì hít vào và thì thở ra. Ghi nhớ mức áp lực ở thời điểm này. Lấy mức áp lực lúc đầu trừ đi mức áp lực lúc sau. Sự chênh lệch giữa hai mức áp lực nói ở trên sẽ là trị số mạch đảo (đơn vị là mmHg).

Mạch

Mạch ngoại biên

Mạch đập ở chi trên và chi dưới theo nhịp đồng điệu và cường độ tương đương. Có thể nhận biết được mức độ đàn hồi thành mạch. Sự mất mạch có thể gợi ý bệnh lý động mạch (ví dụ xơ vữa động mạch) hoặc tắc động mạch hệ thống. Bắt mạch ngoại biên có thể khó ở những bệnh nhân béo phì hoặc cơ bắp khỏe. Hiện tượng mạch nẩy mạnh sau đó chìm sâu là do dòng máu trong động mạch bị thoát đi quá nhanh (ví dụ gặp trong thông động tĩnh mạch hoặc hở van động mạch chủ). Mạch nẩy nhanh và mạnh gặp trong cường giáp và tình trạng tăng chuyển hóa; mạch nẩy chậm và yếu gặp trong suy giáp. Nếu mạch ngoại biên hai bên nẩy không tương đương nhau, nên dùng ống nghe để nghe mạch. Nếu nghe thấy tiếng phụt (bruit) mạnh, có thể mạch đã bị hẹp.

Mạch cảnh

Quan sát, sờ và nghe mạch cảnh hai bên có thể gợi ý một số bệnh cụ thể. Tuổi cao và tình trạng xơ vữa có thể dẫn đến thành mạch bị xơ cứng, làm mất đi các triệu chứng đặc hiệu khi thăm khám. Ở trẻ rất nhỏ, mạch cảnh có thể bình thường, kể cả khi hẹp chủ nặng.

Dùng ống nghe để nghe động mạch cảnh có thể giúp phân biệt tiếng phụt (bruit) do hẹp động mạch cảnh với tiếng thổi (murmur) lan từ tim tới. Tiếng thổi (murmur) có nguồn gốc từ tim và các động mạch lớn (động mạch chủ), thường to hơn khi nghe ở vùng cao xương ức và nhỏ dần khi nghe về phía cổ. Tiếng phụt (bruit) có âm sắc cao hơn tiếng thổi, chỉ nghe thấy khi đặt ống nghe trên các động mạch vừa và nhỏ, và thường nghe thấy ở nông hơn. Tiếng phụt do hẹp động mạnh cần được phân biệt với tiếng rung tĩnh mạch (venous hum). Khác với tiếng phụt do hẹp động mạch, tiếng rung tĩnh mạch thường nghe thấy liên tục và rõ nhất khi bệnh nhân ngồi hoặc đứng. Tiếng rung tĩnh mạch thường mất đi khi ép tĩnh mạch cảnh trong cùng bên.

Tĩnh mạch

Tĩnh mạch ngoại biên

Quan sát tĩnh mạch ngoại biên để phát hiện các bất thường như bệnh lý giãn tĩnh mạch, bất thường cấu trúc động-tĩnh mạch (AVM) và luồng thông động-tĩnh mạch. Ngoài ra, việc quan sát còn giúp phát hiện tình trạng viêm và sưng tấy bề mặt do bệnh lý viêm tĩnh mạch huyết khối. Khi có bất thường cấu trúc động-tĩnh mạch hoặc luồng thông động-tĩnh mạch, ta có thể nghe thấy tiếng thổi liên tục (nghe bằng tai thường hoặc dùng ống nghe) và khi sờ vào thì cảm nhận được rung miu tại chỗ. Nguyên nhân của tiếng thổi liên tục là do áp lực trong tĩnh mạch luôn thấp hơn động mạch ở cả thì tâm thu và thì tâm trương.

Tĩnh mạch cảnh

Thăm khám tĩnh mạch cảnh để ước lượng biên độ sóng tĩnh mạch và dạng sóng tĩnh mạch. Biên độ sóng tĩnh mạch cảnh tỉ lệ thuận với áp lực nhĩ phải. Dạng sóng tĩnh mạch phản ánh các biến động của chu chuyển tim. Quan sát cả hai đặc điểm này tốt nhất ở tĩnh mạch cảnh trong.

Thường tiến hành thăm khám tĩnh mạch cảnh ở tư thế nằm với đầu cao 45°. Vị trí tĩnh mạch cảnh nổi cao nhất thường ngay trên xương đòn. (Giới hạn cao nhất của bình thường: 4 cm trên hõm ức đo theo phương thẳng đứng). Tĩnh mạch cảnh nổi cao thường gặp trong suy tim, quá tải thể tích, chèn ép tim, viêm màng ngoài tim co thắt, hẹp van ba lá, tắc tĩnh mạch chủ trên, hoặc bệnh lý làm giảm khả năng giãn nở của thất phải. Nếu các bệnh lý trên ở mức độ nặng, có thể quan sát thấy tĩnh mạch cảnh nổi tới ngang mức xương hàm dưới và vị trí nổi cao nhất chỉ có thể xác định được khi bệnh nhân ngồi thẳng lên hoặc đứng lên. Tĩnh mạch cảnh xẹp gặp trong tình trạng giảm thể tích.

Thông thường, khi ép bàn tay vào vùng mạng sườn phải (làm nghiệm pháp phản hồi gan-tĩnh mạch cổ), ta sẽ quan sát thấy tĩnh mạch cảnh nổi lên trong thời gian ngắn rồi xẹp trở lại trong vòng vài giây (tối đa 15 giây hoặc 3 chu kỳ hô hấp) cho dù ta vẫn tiếp tục ép tay ở bụng bệnh nhân. Nguyên nhân do khi tăng lưu lượng máu về tim phải, thất phải giãn nở hơn sẽ làm tăng thể tích nhát bóp theo định luật Frank-Starling). Tuy nhiên, nếu tĩnh mạch cảnh vẫn nổi cao (> 3 cm) trong suốt quá trình ép tay ở bụng bệnh nhân, điều này gợi ý bệnh lý nào đó gây giãn thất phải và giảm khả năng đáp ứng của thất phải, hoặc tình trạng gây hạn chế đổ đầy thất phải như hẹp van ba lá hoặc khối u nhĩ phải.

Bình thường, tĩnh mạch cảnh sẽ hơi xẹp xuống trong thì hít vào do áp lực âm trong khoang lồng ngực sẽ hút nhiều máu về tĩnh mạch chủ trên hơn. Tĩnh mạch cảnh nổi lên hơn trong thì hít vào (dấu hiệu Kussmaul) là dấu hiệu đặc trưng trong một số bệnh lý như viêm màng ngoài tim co thắt mạn tính, nhồi máu cơ tim thất phải, COPD. Ngoài ra, dấu hiệu này còn thường gặp trong suy tim và hẹp van ba lá.

Sóng tĩnh mạch cảnh. có thể quan sát được trên lâm sàng nhưng tốt hơn nên sử dụng máy theo dõi đường áp lực tĩnh mạch trung tâm.

Sóng a có biên độ tăng lên trong tăng áp lực động mạch phổi và hẹp van ba lá. Sóng a khổng lồ (sóng đại bác) là dạng sóng gặp trong phân ly nhĩ thất khi tâm nhĩ phải co bóp trùng thời điểm van ba lá đóng (tâm thu thất phải). Sóng a biến mất trong rung nhĩ hoặc nổi rõ hơn khi khả năng thích nghi của thất phải kém (ví dụ trong tăng áp lực động mạch phổi hoặc hẹp van động mạch phổi) Sóng v trội hơn trong hở van ba lá. Sóng x cao khi chèn ép tim cấp. Khi khả năng giãn nở của thất phải kém, sóng y bị gấp khúc đột ngột. Nguyên nhân là do dòng máu tĩnh mạch hút về thất phải trong thì tâm trương sẽ bị cản trở đột ngột do thành thất phải cứng (bệnh cơ tim hạn chế) hoặc do màng ngoài tim mất khả năng đàn hồi (bệnh viêm màng ngoài tim co thắt).

Khám ngực và sờ ngực

Cần thăm khám hình dạng của lồng ngực và quan sát tìm mọi xung động từ tim lan tới thành ngực. Sờ vùng trước tim để xác định mỏm tim đập và phát hiện rung miu ở vùng trước tim nếu có.

Khám ngực

Một số bất thường lồng ngực như ngực hình khiên hoặc ngực hình ức gà có thể là dấu hiệu của Hội chứng Marfan (có tổn thương kèm theo ở gốc động mạch chủ hoặc van hai lá) hoặc Hội chứng Noonan. Đôi khi, có thể thấy một vùng lồi khu trú ở ngực gợi ý phình động mạch chủ do giang mai. Triệu chứng ngực lõm với đường kính trước-sau của lồng ngực ngắn kèm đoạn cột sống ngực thẳng đuỗn một cách bất thường có thể gợi ý một số bệnh lý tim bẩm sinh (ví dụ Hội chứng Turner, Hội chứng Noonan) và đôi khi là Hội chứng Marfan.

Sờ vùng ngực

Sờ cảm thấy lồng ngực nhô lên ở vùng dưới xương ức và vùng ngực trái cạnh ức gợi ý phì đại thất phải nặng. Đôi khi lồng ngực vùng trước tim nhô lên khu trú cạnh ức trái do phì đại thất phải nặng ở một số bệnh tim bẩm sinh.

Vùng nhô lên khu trú trên thành ngực ứng với vị trí mỏm tim gợi ý phì đại thất trái. Vùng nhô lên ở mỏm tim này dễ dàng phân biệt với vùng nhô trước tim cạnh ức trái do phì đại thất phải. Những bệnh nhân có vách thất bị phình và giảm vận động có thể cảm nhận được các dòng phụt bất thường của tim trong thì tâm thu truyền tới vùng trước tim. Bệnh nhân hở hai lá nặng có thể cảm nhận được sự phập phồng của thành ngực vùng trước tim do xung động của dòng phụt tâm thu lan tới. Cơ chế của hiện tượng này là do nhĩ trái bị giãn lớn trong hở van hai lá, làm cho tim bị đẩy ra phía trước hơn so với vị trí thông thường. Khi thất trái giãn và phì đại, vị trí mỏm tim sẽ bị đẩy xuống thấp hơn và ra bên hơn se với

Vị trí sờ thấy rung miu trên thành ngực có thể giúp gợi ý chẩn đoán.

Van động mạch phổi đóng mạnh quá mức trong tăng áp lực động mạch phổi có thể gây ra một xung động mạnh sờ được ở khoang liên sườn 2 cạnh ức trái. Trong hẹp van hai lá, van hai lá đóng mạnh cũng có thể gây ra một xung động sờ thấy được ở mỏm tim trong thì tâm thu. Tại vị trí này, đôi khi có thể cảm nhận được van hai lá mở ra ở đầu thì tâm trương ở bệnh nhân hẹp hai lá. Các dấu hiệu trên tương ứng với tiếng T1 đanh và tiếng clack mở van ở bệnh nhân hẹp hai lá khi nghe tim.

Khám phổi

Khám phổi nhằm phát hiện ra những dấu hiệu của tràn dịch màng phổi và phù phổi thường gặp ở bệnh nhân có bệnh tim mạch (ví dụ suy tim). Các bước khám phổi bao gồm gõ, sờ và nghe phổi.

Gõ là phương pháp chính để phát hiện và đánh giá mức độ tràn dịch màng phổi. Tiếng đục khi gõ phổi gợi ý vùng tràn dịch màng phổi hoặc đôi khi là vùng phổi đông đặc. Rung thanh (cảm nhận độ rung của thành ngực khi bệnh nhân nói) sẽ giảm trong tràn dịch màng phổi và tràn khí màng phổi. Rung thanh tăng trong đông đặc phổi (ví dụ viêm phổi thùy)

Nghe phổi là một bước quan trọng khi thăm khám bệnh nhân nghi ngờ có bệnh tim mạch.

Để phân biệt bệnh lý tim mạch với bệnh lý hô hấp, có thể dựa vào tính chất và âm lượng của tiếng thở của bệnh nhân. Một số tiếng bất thường là tiếng ran ẩm, ran ngáy, khò khè (wheezes) và ran rít. Tiếng ran ẩm và tiếng khò khè (wheezes) là những tiếng bất thường có thể gặp trong suy tim cũng như những bệnh ngoài tim.

  • Tiếng rale là tiếng thở bất thường không liên tục. Rale ẩm nhỏ hạt hoặc rale nổ là những âm sắc cao, ngắn; rale ẩm to hạt hoặc rale ngáy có cao độ thấp hơn và kéo dài hơn. Tiếng rale nghe giống tiếng giấy ni-lon bị vò và có thể giả lập bằng cách vê các sợi tóc giữa 2 ngón tay. Chúng thường gặp trong trường hợp phế nang bị xẹp hoặc có dịch (ví dụ, phù phổi ở suy tim), và bệnh phổi kẽ (ví dụ như xơ phổi); tiếng này thể hiện sự giãn nở của đường thở hoặc phế nang bị xẹp.

  • Tiếng khò khè là những tiếng rít, có nhạc điệu nghe rõ ở thì thởi ra hơn là hít vào. Khò khè có thể là một triệu chứng cơ năng hoặc thực thể và thường đi kèm với khó thở. Tiếng khò khè thường gặp nhất ở bệnh hen nhưng có thể thể gặp trong bệnh lý tim mạch như suy tim.