X-Quang Sóng Cao Tần

1. Đặc điểm

  • X quang là một loại bức xạ năng lượng cao. Một máy chụp X quang phát ra các chùm tia X. Các tia X xuyên qua các mô mềm và thành phần dịch (chất lỏng) trong cơ thể một cách dễ dàng. Tuy nhiên các mô đặc như xương sẽ cản một số tia X lại. Đậm độ hay độ đậm đặc có nghĩa là số vật chất có trong một khoảng không gian nhất định. Mô càng đặc (tức độ đậm cao) thì càng cho ít tia X xuyên qua
  • Phim X quang, cũng tương tự như phim chụp hình, được đặt phía sau bộ phận cơ thể cần chụp. Máy X quang sẽ chiếu tia X qua bộ phận cơ thể này. Các tia X nào gặp phim sẽ tạo hình. Càng nhiều tia X đến phim thì hình ghi được càng đen hơn. Vì vậy, các bộ phận đặc của cơ thể cản rất nhiều tia X sẽ cho hình trắng (ví dụ như xương) trong khi những bộ phận cơ thể rỗng hoặc đầy khí sẽ cho hình đen (ví dụ như phổi). Các mô mềm (ví dụ cơ hoặc các tạng đặc trong cơ thể) sẽ cho hình ảnh có mức độ xám khác nhau tùy theo đậm độ của chúng.
  • Phim X quang có cấu tạo cơ bản là 2 mặt được tráng bởi nhũ tương muối bạc (bromua bạc). Phim được ép vào giữa 2 tấm tăng quang đặt trong cassette. Bề mặt tấm tăng quang được phủ bằng một lớp chất phát huỳnh quang (thường là Tungstat cadmi). Dưới tác dụng của tia X các lớp huỳnh quang này sẽ phát quang và tác dụng lên phim để ghi hình bộ phận thăm khám mà nó truyền qua. Tia X chỉ tác dụng lên phim khoảng 10%, còn lại khoảng 90% tác dụng này là do ánh sáng huỳnh quang phát ra từ tấm tăng quang. Vì vậy, nhờ tấm tăng quang mà thời gian chụp có thể giảm đi rất nhiều.
  • Chụp X quang của các bộ phận thăm khám được thực hiện trên phim hoặc giấy ảnh. Để ghi được hình trên phim X quang thì tia X phải được phát xạ với một điện thế cao (từ 50KV đến 100 hoặc 150 KV) và với cường độ dòng qua bóng X quang lớn (từ 100-200mA và hiện nay có thể lên tới 500 đến 1000KV). Hai yếu tố này nhằm đảm bảo cho sự ghi hình nhanh, tránh được hình nhiễu của các cơ quan động (như tim, ống tiêu hoá.v.v.) và phù hợp với thời gian nín thở của bệnh nhân.
  • Dùng tấm tạo ảnh (Imaging plate) có tráng lớp Phosphor lưu trữ (storage) và kích thích phát sáng (photostimulable luminescence). Tấm tạo ảnh khi được tia X chiếu lên sẽ tạo nên 1 tiềm ảnh (latent image), sau đó tấm tạo ảnh này sẽ phát quang lần 2 khi quét bởi 1 tia laser trong máy Kỹ thuật số hóa (digitizer), ánh sáng này được bắt lấy (capture) và cho ra hình kỹ thuật số tức là có sự chuyển đổi từ hình analog ra digital. Hình này sẽ được chuyển qua máy tính để được xử lý.

2. Lợi ích

  • Chụp X quang giúp cung cấp thêm các thông tin của người bệnh cho Bác sĩ trong những trường hợp mà những biểu hiện lâm sàng chưa đủ để có thể chẩn đoán chính xác. Ngoài ra chụp X quang còn giúp phát hiện sớm những dấu hiệu bệnh lý để can thiệp kịp thời trước khi bệnh trở nên trầm trọng hơn.
  • Trong rất nhiều trường hợp, chụp X Quang là cần thiết và quá trình thực hiện rất nhẹ nhàng, không mất nhiều thời gian, không gây đau. Bạn không cảm nhận được tia X đang đi qua cơ thể.
  • Tấm tạo ảnh sẽ được xóa bởi nguồn ánh sáng trắng và tái sử dụng, không có hóa chất gây hại môi trường.
  • Hình ảnh được lưu trữ trên máy tính và truy cập dễ dàng qua mạng Internet giúp bác sĩ có thể hội chẩn khi cần với các chuyên gia trong và ngoài nước, mang lại hiệu quả cao trong việc chẩn đoán và điều trị.

3. Máy X quang tại Phòng Khám Đa Khoa Đông Phương

Chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh tại Phòng Khám Đa Khoa Đông Phương được trang bị máy X quang cao tần EVA HF 525 Plus – Vikomed, X quang kỹ thuật số iCR 3600, có thể thực hiện các dịch vụ:

  • Chụp X-quang kỹ thuật số phổi, xoang, sọ, cột sống, bụng và xương, khớp thường quy.
  • Chụp X-quang kỹ thuật số dùng trong trường hợp khảo sát hệ tiêu hóa: thực quản, dạ dày, tá tràng.

Máy X quang cao tần EVA HF 525 Plus có một số tính năng nổi bật:

Thiết kế máy phát cao thế nhỏ gọn, tích hợp phía dưới bàn người bệnh, giúp hệ thống EVA đáp ứng yêu cầu không gian lắp đặt tối ưu. Khả năng vận hành linh hoạt tới từng góc độ của cột và cánh tay phụ trợ đầu đèn, kết hợp với khoảng di chuyển rộng của mặt bàn và cột bucky giúp người sử dụng có thể vận hành, điều khiển theo mọi tư thế và kỹ thuật chụp X quang yêu cầu.

  • Thiết kế đơn giản và thuận tiện cho người sử dụng.
  • Bảng điều khiển phát tia: giao diện điều khiển với đầy đủ các chức năng thuận tiện cho việc điều chỉnh, hiển thị và lưu trữ.
  • Bộ xử lý đa nhiệm: sử dụng vi xử lý đa nhiệm hiệu năng cao, đảm bảo hoạt động chụp X quang liên tục và ổn định.
  • Màn hình LCD: hiển thị thông số chụp và các chế độ chức năng trong chương trình hiệu chỉnh.
  • Cài đặt chế độ chụp X quang:
    • Thao tác điều chỉnh thông số dễ dàng với tùng bước chỉnh KV, mA, mAs/s
    • Chương trình chụp theo thông số được cài đặt trước cho từng bộ phận cơ thể (APR) giúp kỹ thuật viên vận hành hệ thống rất nhanh, đặc biệt trong các trường hợp cấp cứu.
    • Máy được lập trình tối ưu, cho phép hoạt động với các thao tác đơn giản, nhanh chóng.
  • Điều khiển từ khoảng cách xa: kết nối máy phát X quang và bảng điều khiển bằng cáp truyền dẫn.

4. Những lưu ý cần biết

  • Phụ nữ có thai hoặc nghi ngờ có thai chỉ chụp X quang khi cần thiết và phải báo cho bác sĩ biết tình trạng thai kỳ để có sự chuẩn bị tốt nhất.
  • Bạn phải đứng im khi tia X được phát ra, nếu không hình chụp sẽ bị mờ.
  • Hạn chế người vào phòng chụp để tránh nhiễm xạ.
  • Liều bức xạ tia X dùng chụp X-quang qui ước rất thấp (#1,7mGy), thấp hơn nhiều so với liều có thể gây bệnh (từ 2000 đến 6000mGy).

5. Hướng dẫn người bệnh chuẩn bị trước khi chụp X quang

  • Người bệnh được mặc áo quần thuận tiện cho việc chụp X quang theo hướng dẫn của kỹ thuật viên
    • Chụp tim phổi, vùng ngực: nam cởi áo, nữ thay trang phục áo y tế.
    • Chụp cột sống ngực và lưng: nữ dùng trang phục áo y tế che phủ từ ngực xuống tới chân, bỏ thắt lưng, kéo quần xuống nửa đùi.
  • Tháo bỏ các vật dụng gây ảnh hưởng đến hình ảnh trên phim như: kẹp tóc, đồ trang sức, kính mắt…ra khỏi vùng cần chụp.
  • Đối với X-quang thông thường không phải chuẩn bị gì trước, trừ một số trường hợp đặc biệt như cần dùng thuốc cản quang, thụt tháo, nhịn ăn…thì nhân viên y tế sẽ có sự chuẩn bị cho người bệnh.
  • Tư thế: tùy theo từng loại kỹ thuật chụp, kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn người bệnh trong quá trình chụp.

6.  Hướng dẫn người bệnh quy trình thực hiện chụp X quang

  • BƯỚC 1: Người bệnh xem số thứ tự trên phiếu chỉ định và ngồi chờ trước phòng X quang.
  • BƯỚC 2: Người bệnh sẽ vào phòng thực hiện chụp X quang khi đến số thứ tự, trừ các trường hợp:
    • Nếu có người bệnh cấp cứu hoặc ưu tiên (người khuyết tật nặng, trẻ em < 6 tuổi, người cao tuổi ≥ 80 tuổi, phụ nữ có thai, người có thẻ ưu tiên);
    • Nếu có người bệnh có số thứ tự nhỏ hơn số thứ tự hiển thị trên bảng số điện tử.

Quý người bệnh vui lòng nhường cho các trường hợp này được vào trước, Phòng Khám Đa Khoa Đông Phương sẽ thực hiện chụp X quang ngay cho quý bệnh nhân sau khi thực hiện cho các trường hợp trên.

Phòng Khám Đa Khoa Đông Phương sẽ cung cấp trang phục y tế và người bệnh vui lòng thay trang phục theo hướng dẫn của kỹ thuật viên

  • BƯỚC 3: Kỹ thuật viên X-quang hướng dẫn tư thế cho người bệnh theo đúng yêu cầu của từng kỹ thuật. Sau đó chuẩn bị cassette phù hợp, chỉnh các thông số máy X-quang và tiến hành chụp.
  • BƯỚC 4: Người bệnh vui lòng làm một số thao tác để có được hình ảnh chụp tốt nhất theo yêu cầu của kỹ thuật viên như: hít vào sâu, nín thở, thở ra… Cố gắng giữ yên tư thế và chỉ cử động trở lại khi được yêu cầu để tránh hình ảnh chụp không nét (nhòe) ảnh hưởng đến kết quả.
  • BƯỚC 5: Kết thúc chụp X-quang, nhân viên y tế hướng dẫn người bệnh thay đổi trang phục (nếu có) trước khi ra khỏi phòng. Kết quả chụp X-quang sẽ được trả sau ít phút, người bệnh vui lòng ngồi chờ trước cửa phòng để lấy kết quả.
  • BƯỚC 6: Sau khi có đầy đủ các kết quả xét nghiệm, cận lâm sàng theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh sẽ quay trở lại gặp bác sĩ khám bệnh để tiếp tục điều trị.